Các câu hỏi không có ở dưới đây có thể hỏi trực tiếp qua zalo số 090 8690 779
Trả lương ngừng việc do COVID như thế nào để không trái luật LĐ?
QUY ĐỊNH CỦA LUẬT LAO ĐỘNG
Tại Khoản 3 Điều 99 Luật lao động 2019 có quy định về tiền lương ngừng việc như sau:
Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
CHIA SẺ THỰC TẾ TỪ CÁC DN (thực hiện không trái luật LĐ)
- F0: ít nhất là hưởng lương BHXH theo chế độ nghỉ ốm
- F1: tối thiểu 70% lương và không thấp hơn lương tối thiểu vùng (LTTV)
- F2 cách ly tại nhà, bị phong tỏa: nếu làm việc đủ hiệu suất thì trả 100% lương, nếu không đủ hiệu suất hưởng tối thiểu 70% lương nhưng không thấp hơn LTTV
- F3, ở nhà theo khuyến cáo: nếu làm việc đủ hiệu suất thì trả 100% lương, nếu không đủ hiệu suất hưởng tối thiểu 70% lương nhưng không thấp hơn LTTV
- Trường hợp ngừng việc khác (người nước ngoài không vào VN được, DN hoặc bộ phận của DN phải ngưng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền):
Ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: lương thỏa thuận nhưng không thấp hơn LTTV
Ngừng việc trên 14 ngày làm việc: lương thỏa thuận nhưng 14 ngày đầu tiên không thấp hơn LTTV
- Giãn cách làm việc tại nhà: 100% lương (có thể giảm lương nhưng phải thỏa thuận ký kết phụ lục hợp đồng giảm lương)
Có nên chia lương hiện trả cho nhân viên thành 2 phần LƯƠNG và THƯỞNG hay không?
- Về phương diện chi trả trước hay sau thuế TNDN:
- Nếu chia lương hiện trả thành 2 phần là lương và thưởng thì phần THƯỞNG phải trích từ quỹ thưởng, mà quỹ thưởng là quỹ được trích lập sau thuế TNDN.
- Nếu chia lương hiện trả thành 2 phần là LƯƠNG ỔN ĐỊNH và LƯƠNG HIỆU QUẢ thì phần LƯƠNG HIỆU QUẢ được tính là chi phí chi trước thuế TNDN.
- Về phương diện luật lao động:
- Nếu cắt 1 phần lương hiện trả để chi trả THƯỞNG có nghĩa phần LƯƠNG sẽ bị giảm. Mà nếu giảm lương thì phải thỏa thuận lại với NLĐ. Có đảm bảo toàn bộ NLĐ đều đồng ý giảm lương hay không? Theo Điều 33 Luật lao động, nếu không thỏa thuận được thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
- Về phương diện động viên nhân viên:
- LƯƠNG HIỆU QUẢ mang ý nghĩa, khi nhân viên làm việc hiệu quả thì được hưởng lương nhiều, khi làm việc không hiệu quả thì được hưởng lương ít. Không nhân viên nào muốn được hưởng lương ít và bị mang tiếng là làm việc không hiệu quả.
- Tuy nhiên, việc làm cho nhân viên tâm phục khẩu phục với việc ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CÔNG VIỆC của cấp quản lý thì cần có bộ tiêu chí đánh giá cùng với NGHỆ THUẬT ĐÁNH GIÁ. Có thể liên hệ qua điện thoại hoặc zalo số 0908690779 để được tư vấn chi tiết miễn phí.
Cần làm gì để thưởng KPI không phải đóng BHXH?
Thưởng KPI sẽ không đóng BH nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
- DN có thang bảng lương, mức lương tương ứng lương cơ bản (cân nhắc nếu mức lương cơ bản thấp sẽ mang tính cạnh tranh thấp và động viên thấp).
- DN xây dựng quỹ thưởng KPI (có thể bao gồm thưởng hoàn thành nhiệm vụ cuối năm). Quỹ tạm lập từ đầu năm. Hàng tháng tạm trích cho NV. Như vậy sẽ được tính là chi phí trước thuế TNDN.
- DN xây dựng quy chế đánh giá KPI (nên tách riêng khỏi quy chế lương để dễ giải trình với kiểm toán và cơ quan thuế), trong đó nói rõ đây là chính sách thưởng để khuyến khích động viên nhân viên.
- HĐLĐ hoặc Phụ lục HĐLĐ ghi từng khoản riêng về thu nhập (không ghi thu nhập bao gồm 2 khoản mà ghi riêng từng khoản độc lập nhau):
+ Lương cơ bản: mức lương theo thang bảng lương
+ Thưởng KPI: giá trị thưởng mức tối thiểu tương đương …. đ nếu kết quả công việc KPI đạt được 80% mức yêu cầu…
- Mỗi tháng, nhân viên phải có bảng đánh giá KPI và lưu hồ sơ.
Các khoản thu nhập nào không phải đóng BHXH?
CÁC KHOẢN THU NHẬP KHÔNG PHẢI ĐÓNG BHXH:
- Tiền thưởng có được căn cứ theo kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
- Tiền thưởng sáng kiến;
- Tiền ăn giữa ca;
- Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;
- Các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Học nghề, tập nghề có phải đóng BHXH hay không?
Căn cứ Khoản 1 Điều 2 tại Luật Bảo hiểm xã hội, đối tượng áp dụng là Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng; Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.
Như vậy, học nghề, tập nghề không thuộc đối tượng đóng BHXH.
Tuy nhiên, theo Điều 61 của Luật lao động, thời hạn tập nghề không quá 03 tháng, thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp (DN thường chỉ áp dụng được đối tượng tập nghề).
Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động.
Ngoài ra, DN tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không được thu học phí và phải ký kết Hợp đồng đào tạo đối với người học nghề hoặc tập nghề. Nội dung Hợp đồng đào tạo theo quy định tại Điều 39 Luật giáo dục nghề nghiệp:
2. Hợp đồng đào tạo phải có các nội dung sau đây:
a) Tên nghề đào tạo hoặc các kỹ năng nghề đạt được;
b) Địa điểm đào tạo;
c) Thời gian hoàn thành khóa học;
d) Mức học phí và phương thức thanh toán học phí;
đ) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng;
e) Thanh lý hợp đồng;
g) Các thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
3. Trường hợp doanh nghiệp tuyển người vào đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp thì hợp đồng đào tạo ngoài những nội dung quy định tại khoản 2 Điều này còn có các nội dung sau đây:
a) Cam kết của người học về thời hạn làm việc cho doanh nghiệp;
b) Cam kết của doanh nghiệp về việc sử dụng lao động sau khi học xong;
c) Thỏa thuận về thời gian và mức tiền công cho người học trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp trong thời gian đào tạo.
* Lưu ý: Điểm d Khoản 2 "Mức học phí và phương thức thanh toán học phí" là áp dụng cho trường hợp NLĐ đang làm việc theo HĐLĐ được DN cử đi học tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, tay nghề.
Nhân viên tạp vụ mỗi tháng chỉ làm việc 10 ngày thì có đóng BHXH không?
Chiếu theo Điều 32 Luật lao động, trường hợp nhân viên có HĐLĐ nhiều tháng, mỗi tháng làm 10 ngày thì đây là hợp đồng làm việc không trọn thời gian. Nhân viên làm việc theo loại hợp đồng này được hưởng các chế độ như HĐLD xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn.
NLĐ làm việc cùng lúc tại 2 công ty thì tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc như thế nào?
Trường hợp nếu làm việc cùng lúc 2 công ty, tại khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định như sau: “Người lao động đồng thời có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ.”
Công ty thứ 2 có phải chi trả tiền bảo hiểm đáng lẽ phải nộp cho NLĐ vào tiền lương hàng tháng k?
Tại Khoản 3 Điều 168 Luật lao động có quy định: "Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp."
Cách tính thuế TNCN làm 2 nơi như thế nào?
Căn cứ khoản 1, Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về việc khấu trừ thuế TNCN:
- Cá nhân có thu nhập từ 2 nơi và ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thì tính thuế TNCN theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
- Cá nhân có thu nhập từ nhiều nơi trong đó có nơi ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng (thời vụ, giao khoán...) mà mức lương từ 2.000.000/ lần hoặc 2.000.000/ tháng trở lên thì phải khấu trừ 10% (Không được làm cam kết vì có thu nhập 2 nơi).
Thu nhập chịu thuế và Thu nhập tính thuế khác nhau chỗ nào?
Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN - Các khoản giảm trừ
Thu nhập chịu thuế TNCN = Tổng thu nhập - Các khoản thu nhập được miễn thuế TNCN
Quyết toán thuế TNCN cho cá nhân làm việc 2 nơi như thế nào?
Căn cứ công văn 801/TCT – TNCN ngày 02/03/2016 của Tổng cục thuế:
Nếu công ty bạn trả lương cho NLĐ thì phải quyết toán thuế TNCN cho NLĐ (dù có hay không phát sinh khấu trừ thuế).
Nếu không trả lương cho bất kì ai thì không phải quyết toán.
+“ Cá nhân có thu nhập tiền lương, tiền công kí hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một tổ chức trả thu nhập, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% nếu cá nhân không có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai này thì được ủy quyền quyết toán tại tổ chức trả thu nhập ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên. Nếu cá nhân có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai thì cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế.”
+ “Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ) thì cá nhân không ủy quyền quyết toán thuế mà phải tự đi quyết toán thuế TNCN.”
NLĐ làm việc cùng lúc tại nhiều nơi thì tính giảm trừ gia cảnh như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC về nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh như sau: “Người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.”
Thuê người cao tuổi làm việc có phải đóng các loại bảo hiểm hay không?
- Nếu ký HĐLĐ với người nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH (tức là chưa được hưởng lương hưu của BHXH) thì phải đóng BHXH, BHTN, BHYT.
- Nếu ký HĐLĐ với người nghỉ hưu đã đủ thời gian đóng BHXH (tức là được hưởng lương hưu của BHXH) thì không phải đóng BHXH, BHTN, BHYT. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, NSDLĐ phải chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho NLĐ tương đương với mức NSDLĐ đóng BHXH, BHTN, BHYT (theo Khoản 3 Điều 168 Luật lao động).
Lương OT tính trên lương nào?
Lương OT tính trên lương nào?
Căn cứ Khoản 1 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, “Tiền lương làm thêm giờ” được tính căn cứ trên “Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường”.
Tiền lương thực trả được xác định bằng tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng hoặc tuần hoặc ngày mà người lao động làm thêm giờ (không bao gồm tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động; tiền thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động)
Các trường hợp nào nghỉ việc riêng được hưởng nguyên lương?
Trích Điều 115 Luật Lao động:
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.